TTO –  Đó là điều mong ước được các học sinh nêu ra tại buổi đối thoại “Tiếng nói của học sinh TP.HCM lần 8 năm 2016” do Sở GD-ĐT TP tổ chức ngày 29-3.

Học sinh ước mong có bảo tàng khoa học
Bạn Phạm Tường Lan Thy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đặt câu hỏi cho các thầy cô ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trong buổi đối thoại với học sinh THPT năm 2016 – Ảnh: Như Hùng
Hiện có nhiều thay đổi trong thi cử ở bậc THCS, THPT. Chúng em mong những hình thức thi đó phải khả thi, áp dụng lâu dài chứ không thể mỗi năm một đổi. Nói thì hơi quá nhưng đừng xem học sinh giống như chuột bạch
NGUYỄN THỊ KIM SANG 
(học sinh Trường THPT Sương Nguyệt Anh)

Buổi đối thoại có sự góp mặt của khoảng 200 học sinh các trường THPT tại TP.HCM tham dự.

“Chúng em mong muốn Sở GD-ĐT có trang web liên kết giáo dục với học sinh nước ngoài để được kết nối với học sinh các nước, mở rộng tư duy của mình, năng động, sáng tạo hơn” – Bùi Thanh Phước, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, bày tỏ

Muốn đến phòng thí nghiệm mà… khó quá

Nguyễn Thị Nhi, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận, cho biết muốn NCKH học sinh ở đây phải mượn cơ sở, mượn trang thiết bị. Điều kiện vật chất rất thiếu thốn nên ý tưởng nhiều khi bị “thui chột”.

Theo Nhi, cả xã hội đang khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học (NCKH) nhưng điều kiện tại các trường phổ thông chưa đáp ứng để ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo phát triển. Việc biến ý tưởng thành các sản phẩm khoa học đối với học sinh phổ thông rất khó thực hiện.

Trong khi đó, học sinh Võ Minh Hiếu, Trường THPT Nhân Việt, nêu thực trạng thủ tục rườm rà, khó khăn khi học sinh muốn đến phòng thí nghiệm của các trường ĐH, CĐ để phát triển ý tưởng sáng tạo.

Đáng nói hơn, dường như sản phẩm NCKH của học sinh làm ra “để chơi, để vui” là chính. Cùng ý kiến trên, Phạm Tường Lan Thy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cũng cho biết thêm: “Sau các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, học sinh chúng em nhận giải thưởng xong là thôi, sản phẩm không được quan tâm và đầu tư thêm để phát triển”.

Thế nên, các học sinh cũng thấy một bộ phận không nhỏ bạn bè xung quanh mình “nản chí”, không muốn làm NCKH là vì thế.

Không chỉ thế, Đỗ Nguyễn Thị Thái Minh, học sinh Trường THPT Phú Nhuận, còn đưa ra đề xuất: “Thành phố mình có nhiều bảo tàng lịch sử nhưng chưa có bảo tàng nào về khoa học, nhất là nơi trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ dành cho học sinh. Đây là nơi giúp chúng em nâng cao ham muốn tiếp cận khoa học, thu hút trực tiếp nguồn đầu tư dành cho sản phẩm có tính ứng dụng cao. Nếu thành phố chưa đủ điều kiện thì có thể khuyến khích các trường có phòng trưng bày riêng để tuyên truyền sức sáng tạo, nhân rộng và chia sẻ mô hình sáng tạo, NCKH giữa các trường”.

Cho rằng mong ước phát triển các ý tưởng NCKH trong nhà trường là nguyện vọng chính đáng của học sinh, ông Trương Văn Hùng, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và đại học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sở đã có chủ trương phát triển NCKH trong trường phổ thông bằng cách gắn yêu cầu NCKH của học sinh với các phòng thí nghiệm ở trường ĐH, CĐ, TCCN thuộc sở. Cơ sở vật chất ở các trường chuyên nghiệp hiện nay đầy đủ để đáp ứng việc phát triển ý tưởng sáng tạo cho học sinh.

Ông Hùng cũng đề nghị các trường phổ thông phải xem phát triển NCKH là nhiệm vụ, khơi gợi hoài bão, ước mơ cho học sinh. Từ đó, tổ chức thành trung tâm hoặc câu lạc bộ để học sinh đăng ký và tìm cách giúp học sinh phát triển ý tưởng.

Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP, khẳng định “chỉ cần một giấy giới thiệu của ban giám hiệu trường THPT đến các trường CĐ, TCCN là học sinh có thể thực hành”.

Đồng thời ông cho biết sắp tới Sở GD-ĐT sẽ dành riêng một phần kinh phí cho việc NCKH của học sinh. Sở GD-ĐT TP cũng sẽ làm nhiều cách để đưa các phòng thí nghiệm di động đến các trường phổ thông có nhu cầu. “Sở sẽ tổ chức một ngày hội để giới thiệu các công trình NCKH của học sinh” – ông Sơn cho biết.

Thích được cọ xát 
nhiều hơn

Mong muốn được cọ xát nhiều hơn trong môi trường học tập, Nguyễn Hoàng Ngân – học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – băn khoăn về việc tại sao đoàn thi khoa học sáng tạo quốc tế TP.HCM lại bị “giới hạn” trong sáu người.

Tương tự, một học sinh Trường THPT Trần Phú nêu: “Khoa học xã hội còn ít được chú ý trong các trường phổ thông. Em mong muốn có thêm nhiều cuộc thi khoa học xã hội, ngoài thi Olympic để khuyến khích các bạn học sinh thêm yêu các môn xã hội như văn, sử, địa…”. Một số học sinh cũng đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM nên “tổ chức thi học sinh giỏi cho học sinh chuyên và không chuyên”.

Giải thích vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn cho rằng “thi học sinh giỏi không phải là một sân chơi kiểu như thi Olympic, nó có những yêu cầu riêng nên không thể chia ra học sinh giỏi chuyên và không chuyên được”. Nhưng ông Sơn cũng cho biết sở sẽ mở rộng sân chơi Olympic, vì việc này nằm trong tầm giải quyết của sở để học sinh có thể tham gia nhiều hơn.

Bên cạnh đó, một số học sinh cũng phàn nàn việc môi trường học đường tại TP.HCM vẫn còn thiếu thốn nhiều mặt.

“Trường em hiện nay không có khu tập đa năng, rất thiệt thòi cho những bạn có năng khiếu thể thao. Mong Sở GD-ĐT quan tâm hỗ trợ cho trường em có phòng tập đa năng để chúng em có điều kiện rèn luyện thể chất và tinh thần” – một học sinh phản ảnh.

Về việc này, ông Lê Hồng Sơn cho biết phát triển năng khiếu thể thao và các năng khiếu khác của học sinh là mối quan tâm của ngành giáo dục thành phố nhưng hiện nay điều kiện chưa cho phép. Sở GD-ĐT sẽ tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Làm sao “kéo” du học sinh trở về?

Lê Ngọc Vân Anh, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Ở trường em có rất nhiều học sinh đi du học nhưng chưa đi đã quyết định không về. Em mong muốn Sở GD-ĐT có biện pháp để thay đổi tư duy, giúp nền giáo dục phát triển, khiến các du học sinh đi học và trở về đóng góp cho đất nước”.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn thừa nhận có một bộ phận không nhỏ học sinh TP.HCM đi du học và muốn ở lại.

Ông Sơn cũng thông tin TP.HCM hiện vẫn là nơi thu hút rất nhiều người dân ở các tỉnh thành và ở các nước khác về. Nhưng TP.HCM cần phải trăn trở trước chế độ tuyển dụng, chế độ chính sách, không thể cào bằng trong đãi ngộ để giữ chân được chất xám.

Nguồn : báo Tuổi Trẻ

Biên tập bởi : Phòng truyền thông – Trường THPT Nhân Việt

Facebook Comments