Qua rồi cái thời “vàng son” cách đây khoảng 10 năm, người ta đua nhau mở trường phổ thông DL và dễ dàng tuyển hàng trăm học sinh từ các tỉnh khác đổ về TPHCM. Còn bây giờ, sau khi mở trường ồ ạt, đầu tư tiền tỷ hoặc bỏ tiền thuê mướn mặt bằng rộng rãi, nhiều nhà đầu tư “ngậm bồ hòn” vì không tuyển được học sinh. Quá ít học trò và nguồn thu giảm mạnh đã khiến nhiều trường đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản. Trừ một số trường THCS – THPT đã định hình thương hiệu, có uy tín như Nhân Việt, Nguyễn Khuyến, Ngô Thời Nhiệm, Trương Vĩnh Ký, Thanh Bình, Ngôi Sao, Đinh Thiện Lý,….. đầu vào tuyển sinh ổn định, thậm chí tuyển không hết, còn lại đều than ngắn thở dài. Hiệu trưởng của một trường phổ thông TT mới thành lập được 3 năm tại quận Tân Bình than thở: “Năm học đã bắt đầu nhưng trường chúng tôi chỉ tuyển sinh được vài chục học sinh. Với thực trạng thừa lớp học, dư giáo viên nhưng vẫn phải trả lương, mặt bằng mất hàng trăm triệu đồng/tháng thì nguy cơ chúng tôi phải đóng cửa sớm đang đến gần”.

Liên tục trong vài năm gần đây, các trường DL, TT đều phải đối mặt với nỗi lo nguồn tuyển sinh đầu cấp, nhất là lớp 10, ngày một khan hiếm. Và để chiêu sinh, nhiều trường phải lặn lội về các tỉnh, địa phương khác tiếp thị, quảng cáo và chấp nhận nhặt từng học trò mang về. Thế nhưng kết quả tuyển sinh vẫn ảm đạm và nhiều trường chỉ tuyển được vài chục đến trên dưới 100 em. Cũng theo các hiệu trưởng, hy vọng có thể tuyển sinh từ số học sinh rớt 3 nguyện vọng vào lớp 10 ở TPHCM càng mong manh hơn do năm nay các trường THPT công lập tuyển đến 87%. Như thế với miếng bánh nhỏ nhoi còn lại 13% với khoảng trên 10.000 học sinh rớt lớp 10 nếu đem chia đều cho trên 90 trường DL, TT trên địa bàn TPHCM thì mỗi trường tuyển được bao nhiêu? Đó là câu hỏi đầy tâm trạng và các trường như ngồi trên đống lửa bởi chỉ tiêu tuyển sinh cứ sụt giảm mạnh.

Trường THCS – THPT Hoàng Diệu cơ sở 1, có chính sách giảm 50% học phí… cũng không tuyển đủ học sinh.

Nhiều ngôi trường được đầu tư xây mới khang trang, có diện tích rộng rãi, đầy đủ tiện nghi nhưng cũng chung số phận xây trường để… ngó vì quá ít học trò. Điển hình là Trường Tiểu học – THCS – THPT Chu Văn An (quận Bình Tân) được đầu tư cả trăm tỷ đồng trên diện tích 7.000m2, với 4 tầng lầu, 44 phòng học, phòng chức năng, ký túc xá khang trang nhưng công suất sử dụng chỉ chiếm 1/4.

Thầy Đỗ Hoàng Ngọc, Hiệu phó Trường Chu Văn An, bộc bạch: “Dù cố gắng tìm nguồn tuyển sinh và thu hút học sinh bằng chính sách học phí thấp hơn so với mặt bằng chung của các trường ngoài công lập nhưng trường chúng tôi mới thu hút gần 300 học sinh theo học ở 3 cấp. Còn năm học mới này mới tuyển thêm được 100 em”. Tương tự, Trường THCS – THPT Lam Sơn (cơ sở 2 ở đường Phan Văn Trị quận Gò Vấp) thuê mặt bằng rộng trên 20.000m2 và đầu tư phòng học, phòng thể dục thể thao, nhưng chỉ tuyển được vài trăm học sinh theo học. Chỉ những dãy phòng còn trống trơn, Hiệu trưởng Trường Lam Sơn Phạm Thanh Bình lắc đầu: “Mấy năm nay tuyển sinh khó quá và nhà trường phải chịu lỗ khi thuê mặt bằng quá rộng này…”.

Ma trận quảng cáo chiêu sinh

Trong vòng xoáy cạnh tranh tuyển sinh, nhiều trường ngoài công lập sẵn sàng tung ra các chiêu khuyến mãi như giảm học phí đến 50% cho những học sinh đăng ký sớm, miễn phí các khóa học kỹ năng, học võ tại trường hoặc giới thiệu một học sinh mới được hưởng 1 triệu đồng… Không những thế, trường nào cũng tiếp thị trường mình là số 1, có “bí quyết” dạy học sinh từ trung bình thành khá và từ khá thành giỏi; đậu tốt nghiệp THPT 100%; đậu đại học 80% – 90%… Và giữa ma hồn trận nhan nhản trường DL, TT như hiện nay, phụ huynh biết đường nào thẩm định để “chọn mặt gởi vàng”?

Học sinh Trường tư thục Nhân Việt, một trong số ít trường thành lập mới nhưng có sức hút tuyển sinh cao.

Thời gian gần đây, nhiều trường DL, TT trên địa bàn TPHCM hoạt động không hiệu quả, tuyển sinh èo uột đã phải đóng cửa hoặc xin tạm ngưng hoạt động. Điển hình là Trường Tư thục Hiền Vương bị đình hoạt động có thời hạn 2 năm vì hoạt động không hiệu quả, khó khăn về tài chính, nhân sự. Trường THCS – THPT Hoàng Diệu tạm ngừng tuyển sinh vì nội bộ bất ổn, tuyển sinh lèo tèo. Cách đây 2 năm trường chỉ tuyển được 20 em, nhập học có 8 em và năm học vừa rồi số tuyển mới cũng đếm trên đầu ngón tay. Riêng năm 2012, nhiều trường bị rút giấy phép hoạt động vì tuyển sinh không được, cơ sở vật chất xuống cấp, nội bộ bất ổn, cụ thể là Trường DL Phương Nam (Thủ Đức), THCS – THPT Khai Trí (quận 5)… Việc các trường DL, TT tạm ngưng hoạt động hoặc bị đóng cửa đã đẩy hàng trăm học sinh lâm vào tình cảnh bơ vơ, tâm lý hoang mang khi phải chuyển đến trường khác học tiếp.

Theo phản ánh của một số phụ huynh ở các tỉnh từng là nạn nhân của các trường DL, TT bị đóng cửa, ngưng hoạt động có thời hạn thì họ bị dính bẫy lừa khi đưa con lên TPHCM học. Những trường “thùng rỗng kêu to”, quảng cáo rất hay rất kêu này chỉ biết thu học phí, xem thường quyền lợi của người học và lỡ bước chân vào thì muốn rút khỏi cũng không dễ. Điều này cho thấy sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, chạy theo kiểu “ăn xổi”, đặt lợi nhuận lên trên mục tiêu phát triển giáo dục bền vững của một số trường DL, TT đang làm méo mó hình ảnh trường ngoài công lập. Thậm chí có trường mở ra nhiều cơ sở rồi bán giấy phép hoặc tìm mọi cách lôi kéo học sinh, giáo viên về với mình. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều phụ huynh ở TPHCM cũng như các địa phương khác từng cho con theo học ở những trường TT nhìn thấy sự bất ổn, thiếu an tâm nên tìm cách quay về trường công. Điều này cho thấy lực hút vào một số trường phổ thông ngoài công lập đang giảm dần và có nguy cơ bị teo tóp.

KHÁNH BÌNH

Facebook Comments