19 tháng 5, một trong những ngày in dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm trí nhân dân Việt Nam vì đó là ngày sinh người con vĩ đại nhất của dân tộc: Bác Hồ.
Ngày 18-5-1946, báo Cứu Quốc xuất bản ở Hà Nội có đăng một bài đặc biệt được bạn đọc đông đảo trong và ngoài nước hết sức chú ý. Đó là bài “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”.
Bài báo có đoạn viết: “… Ngày 19 tháng 5 này, năm mươi sáu năm trước đây (1890) đã ra đời một con người: Hồ Chí Minh.
Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sỹ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của ông hun đúc…”
Bài báo đã nói đến những cống hiến của Hồ Chủ tịch với cách mạng, đã ca ngợi Người là linh hồn, là hiện thân của cách mạng Việt Nam và nêu cao ý nghĩa to lớn của ngày 19 tháng 5.
Đó là lần đầu tiên toàn thể dân tộc Việt nam cũng như bè bạn trên thế giới được biết ngày sinh của Hồ Chủ tịch.
Đúng ngày 19-5, nhân dân cả nước vui mừng chào đón ngày sinh của Bác. Các cháu thiếu nhi, trống ếch rộn ràng trước Bắc Bộ phủ mừng thọ Bác. Bác tặng thiếu nhi một cây bách tán, lá nhỏ xanh đậm. Khi tiếp đoàn đại biểu của Nam Bộ đang chiến đấu, Bác cảm động nói:
“… Tôi xin cảm ơn các anh chi Nam Bộ đến chúc thọ tôi. Thật ra các báo chí ở đây làm to lên cái ngày sinh của tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thấy lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình…”
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, sau về quê nội là làng Kim Liên, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ Tĩnh.
Cụ thân sinh ra Người là Nguyễn Sinh Huy, tức Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929). Đỗ phó bảng năm 1901, bị ép làm quan, nhưng vốn có tinh thần yêu nước và khẳng khái, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị chúng cách chức. Cụ vào Nam Kỳ làm nghề bốc thuốc, sống thanh bạch cho đến lúc qua đời.
Thân mẫu của Người là cụ Hoàng thị Loan (1868-1900), là người phụ nữ trung hậu, đảm việc, chịu thương, chịu khó nuôi con.
Chị cả của Bác là bà Nguyễn Thị Thanh (1884-1954), tức Bạch Liên nữ sĩ. Trong hồ sơ của mật thám Pháp, bản lý lịch của Nguyễn Tất Thành khi xin vào xưởng Ba Son (1911), có ghi: ” Nguyễn Thị Thanh tức Bạch Liên sống độc thân có liên lạc với quân phiến loạn ở Nghệ Tĩnh, lầy trộm 3 khẩu súng trong trại lính Vinh, đã bị kết án 9 năm khổ sai…”
Anh ruột của Bác là đông Nguyễn Sinh Khiêm tức Nguyễn Tất Đạt (1888-1950) cũng từng tham gia phong trào chống Pháp và bị tù đày.
Từ 1890 đến 1901 Bác sống ở quê ngoại, cách làng Kim Liên quê nội không xa. Tên khai sinh của Bác là Nguyễn Sinh Cung. Người thầy có ảnh hưởng nhất trong tuổi ấu thơ của Người là cử nhân Vương Thúc Quý. Cụ Quý là bạn thân của cụ Phó bảng Sắc và là con thủ lĩnh Chung nghĩa binh Vương Thúc Mậu thời Cần Vương. Đội nghĩa binh của Vương Thúc Quý chiến đấu quanh vùng núi Chung (Nam Đàn), khi bị Pháp vây bắt, cụ Vương Thúc Quý đã nhảy xuống ao hy sinh ngay ở làng Sen cạnh nhà Bác.
Chính ở ngôi nhà nhỏ ở làng Sen, trước khi bước vào mái trường Quốc học Huế (1905), cậu Cung đã được vị túc nho Vương Thúc Quý hết lòng giúp đỡ, tinh thông tứ thư ngũ kinh…
Nhưng điều quan trọng hơn cả là cậu Cung được thầy học cho biết đường tận các địa điểm, biến diễn của các cuộc khởi nghĩa ngay trên đất quê nhà của Trần Tấn, Đặng Như Mai, của Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Vương Thúc Mậu và cả phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu đang diễn ra âm ỷ… Cậu Cung rất chú ý lắng nghe những cuốc đàm đạo của cha mình với các đồng chí, bè bạn như Sào Nam Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, đội Quyên (Đại Đấu)…
Cậu Cung trở thành liên lạc cho các nhà nho yêu nước. Nhưng rồi cậu Cung không quanh quẩn ở lũy tre làng, cũng không đi sang Nhật theo Phan Bội Châu như bao người cùng thế hệ. Năm 1908, sau khi tham gia phong trào chống thuế, bị đuổi học, Nguyễn Tất Thành bỏ vào Nam. Người đừng lại ít lâu ở Phan Thiết, đạy học ở trường Dục Thanh do một số nhà giáo yêu nước lập ra. Sau đó, Người và Sài Gòn rồi xuống tàu xuất dương để đi tìm đường cứu nước.
Trong 10 năm (1911-1920) Người đã đi khắp năm châu bốn biển, làm hàng chục nghề để tự vô sản hóa mình và tìm ra chân lý- con đường cách mạng vô sản, cái cẩm nang thần kỳ mà cả dân tộc Việt Nam đang mong đợi, 1920-1930 là thời gian Người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào Việt Nam để tiến hành thành lập Đảng. Cũng như giai đoạn trước, để có ngày 3-2-1930 ở Cửu Long (Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) (Trung Quốc) Người đã đi từ Pa-ri tới Mát-xcơ-va rồi từ Quảng Châu vòng trở lại châu Âu và cuối năm 1928 lại trở về Đông bắc Thái Lan…
Sau 30 năm xa tổ quốc, mùa xuân 1941 Người trở về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo công cuộc đấu tranh chống Nhật Pháp, phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, mở ra thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám 1945.
Từ đó cho đến khi Người qua đời (3-9-1969) Người đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến, đánh bại hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên độc lập và chủ nghĩa xã hội, thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của dân tộc.
Nếu như năm 1911, dân tộc Việt Nam có Anh Ba- người phụ bếp trên tàu, năm 1920 có Nguyễn ái Quốc- người Cộng sản, thì từ ngày 2-9-1945 nhân dân Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- và ngày nay, một cách chung nhất, kính yêu nhất, chúng ta có Bác Hồ của Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 19 tháng 5! Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá khứ cũng như trong tương lai, mãi mãi là một trong những ngày vui nhất của dân tộc Việt Nam, ngày hướng về một lẽ sống cao đẹp nhất của con người.