Hệ thống trường Nhân Việt

Báo NLD “Đề thi thử phân hóa mạnh”

Báo NLD PV Cô  Lại Thị Thắm – tổ trưởng chuyên môn tổ tiếng Anh, Trường THPT Nhân Việt (TP HCM) về đề thi thử THPT QG năm học 2017.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 14-5 đã chính thức công bố đề thi minh họa các bài thi THPT quốc gia 2017. Các đề tham khảo lần này có định dạng như đề thi chính thức

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ở các lần trước, đề thi được công bố theo các môn thi. Lần này, đề thi minh họa là dạng bài thi (5 bài). Trong đó, trừ môn văn, các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Các câu hỏi trong đề thi minh họa cũng được sắp xếp từ dễ đến khó như đề thi thật.

Sáng tạo, không đánh đố

Một trong những đề thi được chờ đợi nhất là đề thi môn toán – lần đầu thi theo hình thức trắc nghiệm. Nhận xét về đề thi toán năm nay, thầy Nguyễn Tiến Đạt, giáo viên môn toán tại Trung tâm hoc24h.vn, cho rằng đề toán rất hay, học sinh phải hiểu bản chất và các tính chất trong sách giáo khoa mới có thể làm trọn vẹn.

“Phải nói rằng đề thi lần này mang tính phân loại quá tốt, mỗi chương học đều là những câu hỏi thật sự khó (với mức 2 phút/câu). Những câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao của đề thi là những câu hỏi mang tính sáng tạo cao trong cách giải, vững chắc trong kiến thức gốc” – thầy Đạt nhận xét.

Giáo viên này cũng cho rằng nhiều bài toán mang đúng tính chất thực tế ứng dụng được đưa vào, phần nào giúp môn toán không chỉ còn là kiến thức suông. Một điểm tích cực nữa trong đề thi là lần này, Bộ GD-ĐT ra đề chuẩn trong khâu chống mẹo vặt khi dùng máy tính cầm tay giải toán.

Học sinh TP HCM đang làm quen với các đề thi trắc nghiệm Ảnh: Tấn Thạnh

TS Lê Thống Nhất, nhà sáng lập của Trường học online Bigschool, nhận định cấu trúc đề thi trắc nghiệm toán 60% là những bài toán cơ bản. Học chắc lý thuyết và toán cơ bản trong sách giáo khoa, thí sinh có thể được 6 điểm.

Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý đặc điểm đề tự luận và trắc nghiệm khác hẳn nhau. Thi tự luận cùng lắm là 10 câu trong 150 phút. Vì vậy, người ra đề có thể đưa ra câu hóc búa, thường rơi vào câu cuối và trở thành “nỗi ám ảnh” của thí sinh trước đây. Song, với 90 phút cho 50 câu trắc nghiệm môn toán lần này, thí sinh có thời gian 1,8 phút cho mỗi câu trả lời. Người ra đề bắt buộc ra những câu hỏi thí sinh nghĩ trong mấy phút, như vậy không thể đưa ra những câu hỏi đánh đố. Tuy nhiên, để được điểm cao, thí sinh không nên sa vào ôn những bài toán quá khó, hóc búa, lãng phí thời gian và sức lực.

Nhiều tình huống liên hệ thực tế

Nhận xét về môn hóa, thầy Lê Phạm Thành, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng đề thi thử có mức phân hóa cao, kiểm tra được kiến thức – kỹ năng và phân hóa mạnh thí sinh. Câu dễ thì dễ hẳn, câu phân loại thì khó hẳn.

Đề thi đã cố gắng khai thác nhiều mảng kiến thức, đặc biệt là những tình huống liên hệ thực tiễn, kỹ năng thực hành. Đề thi khai thác khá sâu các nội dung kiến thức cốt lõi của môn hóa, chủ yếu là ở phần lý thuyết. Các câu phân loại chủ yếu vẫn rơi vào dạng bài “đếm”; biện luận cấu tạo, bài toán H+, NO3 và peptit. Đặc biệt, trong đề có một tình huống điện phân “lạ”. Điểm mới của đề năm nay là số câu đếm nhiều hơn, với nhiều mệnh đề hơn (6 mệnh đề thay vì 4 như các đề lần trước).

Tuy nhiên, thầy Thành cũng cho rằng nhược điểm của đề minh họa môn hóa là còn thiếu dạng bài phân biệt – nhận biết, cũng như dạng bài có sử dụng bảng. Đề thi còn nhiều câu tính toán (15 câu ~ 37,5%), trong đó có nhiều câu hỏi tính toán dài và phức tạp. Với đề thi khá dài và khó, có nhiều câu phân loại (cả tính toán dài và lý thuyết khó), thầy Thành cho rằng sẽ phân hóa mạnh thí sinh. Thí sinh thông thường làm được 4-6 điểm, thí sinh khá làm được 6-8 điểm, giỏi làm được 8-9 điểm.

“Phải những bạn thực sự xuất sắc, nắm vững kiến thức, tâm lý vững vàng và khả năng phản xạ cao, thường xuyên rèn luyện các dạng bài khó mới có thể làm được 9-10 điểm. Số điểm tuyệt đối sẽ rất ít. Phổ điểm tập trung chủ yếu ở khu vực 4-6” – thầy Thành phân tích.

Thầy Ngô Thái Ngọ, giáo viên vật lý Trung tâm học24.vn, nhận xét đề thi minh họa môn vật lý không có câu đặc biệt khó và lạ để làm khó thí sinh. Theo giáo viên này, xu hướng ra đề vẫn là từ câu dễ đến khó. Đề thi phân loại thí sinh bằng 2 câu cực trị. Ba câu đồ thị và một câu nặng về toán học buộc thí sinh cần học tốt toán mới làm được. “Không có câu đặc biệt khó và lạ để làm khó thí sinh trong phòng thi” – thầy Ngọ nhìn nhận.

Trong khi đó, thầy Thịnh Văn Nam, giáo viên Trường THPT Đoàn Kết (Hà Nội), cho rằng nhìn chung, đề sinh ra không thách đố, độ dài vừa phải. Khoảng thời gian 50 phút, thí sinh hoàn toàn có thể tự tin chinh phục 40 câu trong đề.

Theo thầy Nam, với đề thi này, học sinh nên điều chỉnh phương pháp học tập giai đoạn cuối. Cụ thể, nên xác định rõ quan điểm là không được học tủ vì đề ra khá toàn diện. Khi học phải liên hệ thực tế, đặc biệt là phần sinh thái và phần di truyền học người. Các phần bài tập, các em nên học những dạng bài tập thiên về bản chất kiến thức sinh, không nặng nề chuyện tính toán. Dạng bài tập tính toán thì thường có phương pháp giải nhanh.

Thí sinh phải có tư duy sâu sắc

Cô Đỗ Thu Hà, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng đề văn tiếp tục ra theo hướng mở, đánh giá được năng lực của thí sinh. Câu đọc hiểu và viết nghị luận xã hội tạo hứng thú làm bài cho thí sinh nhưng cũng đòi hỏi các em phải có tư duy sâu sắc, cái nhìn đa chiều và kỹ năng làm bài tốt.

Đối với đề thi thử tiếng Anh, cô Lại Thị Thắm – tổ trưởng chuyên môn tổ tiếng Anh, Trường THPT Nhân Việt (TP HCM) – cho biết: Đề được phân hóa rõ ràng theo 4 mức độ yêu cầu của ma trận đề (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Tỉ lệ rất hợp lý: 3:4:2:1.

Có thể dễ dàng nhìn thấy mức độ nhận biết, thí sinh chỉ cần xem dạng bài là chọn được đáp án, các quy tắc về dấu nhấn, đuôi tận cùng ed, so sánh, đại từ quan hệ… Các câu ở mức độ thông hiểu, thí sinh có thể dễ dàng áp dụng trực tiếp các kiến thức từ vựng đã học. Mức độ vận dụng thì rơi vào các câu 1, 10, 11, 19, 30… Các câu ở mức độ vận dụng cao thì rơi vào phần đọc hiểu ( 2 bài). Bài đọc hiểu từ câu 36-42, thí sinh có thể dễ dàng dò được đáp án ngay trên bài đọc từ 4-5 câu. Bài đọc hiểu từ câu 43-50 khó hơn một chút, thí sinh mức độ trung bình có thể tìm được 3 câu ngay trên bài.

Nhìn chung, đề thi minh họa môn tiếng Anh lần 3 có độ khó hơn lần 1 và lần 2. Mức độ các câu nhận biết và thông hiểu thì tương ứng như các đề cao đẳng từ năm 2008-2012. Độ khó của bài đọc hiểu và bài điền từ tương ứng như đề thi năm 2015, 2016. Tuy nhiên, đề thi thử lần 3 không có tính mới, không cập nhật thông tin, nội dung từng câu cũng khá cũ, có thể nói rất giống các bộ đề cương ôn tập.

“Nếu đề thi thực sự ở mức độ này thì thí sinh trung bình dễ dàng đạt 5 điểm và tỉ lệ điểm dưới trung bình, thậm chí là điểm liệt, sẽ được hạn chế rất nhiều so với đợt thi 2016” – cô Thắm nhận định.

Nguồn : http://nld.com.vn/giáo-dục-khoa-học/đề-thi-thử-phân-hóa-mạnh-20170514221053798.htm

Biên tập bởi: Phòng truyền thông – THPT Nhân Việt

Facebook Comments