Hệ thống trường Nhân Việt

BODY SHAMIMG – Những câu nói sắc như mũi dao giết chết người

Body shaming (miệt thị hình thể) chính là việc sử dụng những lời lẽ và hành động mang tính chê bai, lăng mạ và giễu cợt về ngoại hình của bản thân hay người khác, làm cho người bị miệt thị hình thể (body-shamed) cảm thấy bị xúc phạm và hình thành những cảm xúc tiêu cực.

Những lời nói như ‘Đồ mặt mụn!’, ‘Đồ béo!’… chính là những biểu hiện thường thấy của body shaming.

Có nhiều loại miệt thị cơ thể: miệt thị thân hình, miệt thị làn da, miệt thị màu da, miệt thị phẫu thuật thẩm mỹ… Tất cả những loại body shaming trên có thể được biểu thị qua lời nói trực tiếp hoặc nói xấu sau lưng. Nhưng phổ biến nhất hiện nay chính là miệt thị ngoại hình qua mạng xã hội.

Với công nghệ tiên tiến và phát triển như hiện nay, các trang mạng xã hội đã trở thành công cụ thuận tiện để những ‘kẻ bắt nạt’ công kích và gây tổn thương cho những người có ngoại hình khác biệt so với ‘tiêu chuẩn sắc đẹp’ của thế kỉ 21.

Từng nhớ hồi năm ngoái, khi Lê Âu Ngân Anh đăng quang Tân Hoa hậu Đại dương 2017, cô ngay lập tức bị cộng đồng mạng ném đá dữ dội về ngoại hình, đặc biệt là đôi môi với những từ ngữ như ‘miệng cá trê’, ‘xấu xí’… Có người còn nói rằng: ‘Hoa hậu gì mà miệng như bơm bị lỗi’… Thậm chí cộng đồng mạng còn chế ảnh giễu cợt cô một cách quá đáng. Nhưng rõ ràng, cho dù Lê Âu Ngân Anh không xứng đáng để sở hữu vương miện đi chăng nữa thì việc chê bai và giễu cợt ngoại hình cũng gây ra không ít suy nghĩ tiêu cực cho cô gái, bằng chứng là Ngân Anh sau đó đã phải nhập viện cấp cứu.

Có ý kiến cho rằng, việc phê phán và nhận xét những người nổi tiếng là hết sức bình thường, bởi họ là những người hoạt động giải trí và là hình mẫu hoàn hảo cho các bạn trẻ. Việc họ xuất hiện trước công chúng một cách ‘không hoàn hảo’ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, các nghệ sĩ cũng chỉ là những con người bình thường mà thôi…

Body shaming dường như có mặt ở hầu hết mọi nơi và xảy ra với mọi lứa tuổi. Tại trường học, vấn đề này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Một cậu bé bước vào tuổi dậy có gương mặt mụn thường hay bị trêu chọc ‘Mặt mày trông như bánh pizza’, ‘Sao mặt mày mụn dữ vậy?’, ‘Mặt như vậy thì đúng là dậy thì không thành công rồi’… Hay một nữ sinh có thân hình to lớn hơn các bạn cùng lứa thì hay bị chọc là ‘Đồ heo’, ‘Con mập’, ‘Thùng phi’…

Nhưng – lứa tuổi dậy thì chính là độ tuổi mà tâm lý trở nên nhạy cảm nhất. Các bạn thường dễ bị tổn thương sâu sắc trước những lời đùa cợt về ngoại hình. Ở tuổi này, các bạn còn suy nghĩ non nớt và thường không biết cách để giải quyết vấn đề. Thay vào đó, các bạn quá để tâm đến lời nói của người khác và lúc nào cũng chăm chăm vào những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Hậu quả là các bạn trở nên tự ti, mặc cảm, thậm chí bị trầm cảm, có không ít trường hợp họ đã tìm đến cái chết như một lối thoát.

Đồ mập!’, ‘Giảm cân đi!’, ‘Ăn kiêng đi’…

Tờ Revelist từng đăng tải câu chuyện thương tâm của một nữ sinh trung học Brandy Vela của trường phổ thông Texas City đã tự tử khi bị xúc phạm hình thể qua mạng. Cô bị bạn bè nói những điều ác ý về ngoại hình như ‘xấu xí’ và ‘mập ú’. Sự việc này cho thấy body shaming không chỉ là con dao giết hại tâm hồn mà nó còn có thể kết liễu sinh mạng của một con người.

Trên một diễn đàn mạng xã hội, bạn N.T.A từng chia sẻ: ‘Mình đã là nạn nhân của body shaming khi bị các bạn trong lớp chê cười vì chân tay quá to như con trai vậy. Mình thấy rất xấu hổ vì điều này. Là con gái, ai cũng mong mình nhỏ bé xinh xắn nhưng đâu phải ai cũng được như vậy. Nên mình rất mong các bạn khác hãy thôi bình luận, chỉ trỏ sau lưng như vậy bởi những người như mình sẽ cảm thấy cực kỳ tủi thân và chán nản’.

‘Mình ở lớp hay bị chú ý bởi gương mặt đầy mụn. Bạn bè và ngay cả thầy cô cứ thấy mặt mình là hỏi ‘Sao nay mặt mụn dữ vậy?’. Hồi cấp hai có đứa thậm chí còn nói mặt mình trông như ‘đáy nồi cơm điện’. Dần dần mình bắt đầu tin vào những lời nói đó, rằng mình thật xấu xí. Mỗi ngày đi học đối với mình như một cơn ác mộng…’. – lời kể của bạn N.V.L có lẽ là tâm sự chung của rất nhiều người từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khác.

Đồ mập!’, ‘Xấu xí!’, ‘Thật kinh tởm!’…

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao mọi người lại có thể dễ dàng miệt thị cơ thể người khác đến như vậy?

Có ý kiến cho rằng, những người miệt thị ngoại hình người khác cũng đang có vấn đề cơ thể của riêng họ, vì vậy, họ có xu hướng chê bai những người khác để cảm thấy mình tốt đẹp hơn. Có vài người body shaming người khác lại chỉ bởi vì họ thích như thế, và việc giễu cợt người khác làm họ cảm thấy vui vẻ.

Tuy nhiên, dù là bất cứ lý do nào đi chăng nữa, hành động này đã đến lúc phải dừng lại. Bởi vì đã có quá nhiều người bị tổn thương trước những lời nói ác ý này.

Vậy phải làm gì khi bị body shamed? Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này đó là đừng im lặng. Hãy đừng im lặng khi bản thân bị miệt thị ngoại hình hay nhìn thấy người khác bị đùa cợt, bởi vì khi bạn im lặng, bạn đã vô tình tạo cơ hội cho những kẻ bắt nạt làm tổn thương bạn nhiều hơn.

Nếu người miệt thị là người thân hay bạn bè, hãy trò chuyện nghiêm túc với họ, nói cho họ biết suy nghĩ của bạn khi bị miệt thị và kể cho họ biết rằng bạn đang cảm thấy bất an như thế nào. Nếu họ không nằm trong vòng tròn quan hệ gần gũi của bạn, hãy đứng dậy và mạnh mẽ trả lời: ‘Đó không phải là vấn đề của cậu!’.

Cơ thể bạn không có lỗi. Lỗi là ở xã hội’


Điều quan trọng nhất ở đây đó chính là hãy yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Có lẽ sẽ rất khó để không quan tâm đến những lời nhận xét mang tính miệt thị của người khác, nhưng nhưng hãy luôn trân trọng chính mình. Bạn không hề xấu xí chút nào cả. Bạn cũng chẳng có lỗi gì cả, chính những kẻ miệt thị mới là người có lỗi. Mỗi người sinh ra là để khác biệt. Vì vậy, đừng tự ti nếu bản thân khác biệt với số đông. Bạn chính là cá thể độc nhất vô nhị trên Trái đất hơn 7 tỷ người này.


Khánh Lam

Baodatviet.vn

 

Facebook Comments