TTO – Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đa số các trường phổ thông ở TP.HCM đều đã sẵn sàng cho lễ khai giảng theo hướng đổi mới.

Lễ khai giảng năm học mới ngắn gọn, ấn tượng
Trường THPT Võ Văn Kiệt trong ngày khánh thành – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Học sinh tiểu học không thể tập trung được lâu nên lễ khai giảng ở trường chúng tôi chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, thời gian còn lại chủ yếu tập trung ở phần hội” – cô Điền Thị Hoàng Lý, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh (quận 5), cho biết.

Vui chơi là chính

Theo cô Lý, mặc dù lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn nhưng phải ấn tượng và đáng nhớ. Cô Lý cho biết: “Điểm nhấn của buổi lễ ở Trường Lê Đình Chinh là nghi lễ đón học sinh lớp 1. Các bé được cô giáo và những chú rối đón lên lễ đài một cách trang trọng. Nhà trường cũng chuẩn bị sẵn quà tặng học sinh lớp 1 (mỗi em một cây bút chì có hình các con thú ngộ nghĩnh) để các em vui thích khi đến trường. Phần lễ gồm chào cờ, hát quốc ca, hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng… ”

“Diễn văn của tôi ngắn gọn, dành thời gian cho học sinh được vui chơi. Thầy cô giáo của trường đã tập trung công sức vào việc chuẩn bị phần hội khá công phu: em nào thích vui chơi thì tham gia các gian hàng nhảy lò cò, nhảy bao bố, thảy vòng, đá bóng vô khung thành…, em nào thích văn nghệ thì ngồi lại khu sân khấu xem hát, múa, nhảy đương đại…” – cô Lý cho biết.

Tương tự, thầy Nguyễn Văn Lợi, hiệu trưởng Trường tiểu học Thiên Hộ Dương (quận 10), chia sẻ: “Nhà trường không mời lãnh đạo phát biểu, mà chỉ mời lãnh đạo đọc thư của Chủ tịch nước. Diễn văn khai giảng của tôi cũng không dài dòng kể lể thành tích, mà chỉ dặn dò học sinh theo từng khối lớp sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi các em. Lễ khai giảng là của học sinh nên các hoạt động đều dành cho học sinh. Sau 40 phút là nhà trường hoàn thành tất cả các nghi lễ cần thiết theo đúng quy định – kể cả tiết mục văn nghệ. Phần còn lại học sinh sẽ chơi trò chơi dân gian: nhảy sạp, thảy vòng, chơi ô ăn quan, lựa đậu… và lên lớp liên hoan với cô 
giáo mừng năm học mới”.

Khai giảng theo chủ đề

“Ở quận 1, nhiều năm nay lãnh đạo quận đi dự lễ khai giảng đều không phát biểu mà chỉ lên tặng hoa chào mừng cho nhà trường. Các nghi lễ khác gọn, nhẹ nhưng trang trọng và đáng nhớ. Năm nay, trường chúng tôi lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn giao thông vào buổi lễ khai giảng. Vì vậy ngoài việc phát động tháng an toàn giao thông, phần hội cũng sẽ có trò chơi liên quan đến việc thực hiện các quy định về giao thông” – cô Vũ Thị Phương Chi, hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang (quận 1), thông tin.

Trong khi đó ở Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), hiệu trưởng Bùi Gia Hiếu cho hay: “Trường chúng tôi lấy chủ đề “Quê hương” cho lễ khai giảng năm nay. Từ việc thiết kế không gian cho buổi lễ đến những hình ảnh minh họa, tiết mục văn nghệ… đều hướng học sinh đến tình yêu với quê hương, đất nước”.

Đặc biệt, Trường Nhân Việt còn mời bác sĩ Trần Hoàng Minh (nhân vật trong bài viết “Từ bỏ giàu sang về khám bệnh ở quê nhà” – Tuổi Trẻ 29-5) đến giao lưu cùng với học sinh với hi vọng tạo nên hiệu ứng giáo dục thiết thực. Thời gian qua, bác sĩ Minh đã được đông đảo bạn trẻ hâm mộ, khâm phục bởi quyết định từ bỏ những điều kiện tốt nhất ở Mỹ để về làm việc tại Bệnh viện quận Gò Vấp, TP.HCM.

Cô Trần Thị Thu Thảo, hiệu trưởng Trường mầm non Lê Thị Riêng (quận 1), nói khai giảng trường không có lễ, chỉ có hội. Cô Thảo cho biết: “Ở bậc mầm non, 5-9 là ngày đầu tiên trẻ quay lại trường sau thời gian nghỉ hè. Chúng tôi tổ chức “Ngày hội đón trẻ mầm non đến trường” chứ không tổ chức lễ khai giảng. Toàn trường từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên đã bắt đầu chuẩn bị cách đây một tháng. Đặc thù lứa tuổi trẻ mầm non thích màu sắc, thích sự tươi mới, lạ mắt, vì vậy ngoài việc sơn mới lại phòng ốc, trường chúng tôi còn trang trí lớp học, bancông, sân trường, hoán đổi vị trí một số vật dụng… để kích thích bé đi học”.

Khánh thành Trường THPT Võ Văn Kiệt

Buổi lễ khánh thành và khai giảng năm học 2016-2017 của Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) đã được tổ chức ngày 3-9. Trường được xây dựng trên nền diện tích gần 9.000m2 với tổng vốn đầu tư gần 96 tỉ đồng, có 42 phòng học, phòng chức năng, đáp ứng khoảng 1.450 học sinh học 2 buổi/ngày. Trong khuôn viên của trường được xây dựng tượng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hiện nay trường có 1.259 học sinh khối 10 và khối 11.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang chỉ đạo ngành giáo dục TP.HCM cần quan tâm tới đời sống, chất lượng sống, chăm lo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Ngoài ra cần nâng cao chất lượng quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn để nâng chất lượng dạy và học ở các trường. Nhà trường phải mở rộng phong trào tự học, tự rèn luyện một cách sôi nổi, thiết thực, hiệu quả.

PHƯƠNG NHI

Nguồn : báo Tuổi Trẻ

Biên tập bởi : Phòng truyền thông – trường THPT Nhân Việt

Facebook Comments