TP – Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, các trường đang dồn hết công suất để ôn luyện cho học sinh lớp 12, có trường đã phải học ngày 3 ca để mong kịp tiến độ cho kỳ thi đầy cam go sắp tới.
Học sinh THPT Thành Nhân, quận Tân Phú đang gấp rút ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Học 3 ca mỗi ngày
Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu phó trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM cho biết, sau khi kết thúc chương trình chính khóa, trường sẽ tập trung cho học sinh ôn tập và giải đề liên tục.
Hiện tại, lịch học của học sinh tại trường đang bố trí 3 ca kéo dài từ 7h30 đến 21h30. Ca sáng và chiều các em học chính khóa, ca tối các em ôn tập và giải đề. Tuy nhiên, thầy Độ cho biết, nhiều em học sinh lớp 12 đang có đề xuất tăng thêm giờ học vì sợ ôn tập không kịp. Thậm chí, theo quy định 22h30 các em phải tắt điện đi ngủ nhưng nhiều em vẫn trốn vào nhà vệ sinh hoặc trùm chăn bật đèn pin học bài.
“Ngoài ra, trường còn tổ chức 5 lần thi thử với hình thức, cách thi, đề thi như thi thật để các em học sinh làm quen với không khí thi, có được tâm lý tốt và ước lượng được thời gian làm bài…”, thầy Độ nói.
Tương tự, trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú cũng dự kiến kết thúc chương trình học sớm vào đầu tháng 4 tới để tăng cường ôn tập cho học sinh dự thi THPT Quốc gia. Thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại, hiệu phó nhà trường cho biết: “Trường đang tiến hành dạy và ôn tập cho học sinh theo hình thức cuốn chiếu, tức là học đến đâu, ôn tập và kiểm tra đến đó”.
“Tuy trường đã bố trí học 3 ca từ 7h 30 sáng đến 21h 30 tối nhưng nhiều em học sinh lớp 12 vẫn đang có đề xuất tăng thêm giờ học vì sợ ôn tập không kịp. Thậm chí, theo quy định 22h30 các em phải tắt điện đi ngủ nhưng nhiều em vẫn trốn vào nhà vệ sinh hoặc trùm chăn bật đèn pin học bài”.
Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu phó trường THPT Thành Nhân (TP HCM)
Theo đó, lịch học của học sinh lớp 12 trường này có 3 ca, riêng ca tối dành để dò bài học sinh có sự giám sát của giám thị. Học sinh nào yếu sẽ được xếp thành lớp để phụ đạo riêng. “Bên cạnh đó, mối tuần sẽ có 2 học sinh được kiểm tra kiến thức định kỳ 2 lần xoay vòng các môn. Môn được kiểm tra sẽ được bảo mật và chỉ công bố trước đó 1- 2 ngày để học sinh ôn tập chứ không công bố trước để tránh học sinh học tủ”, thầy Thoại nói.
Trong khi đó, các trường công lập hiện nay vẫn đang tiến hành dạy theo quy định thời gian của Bộ GD&ĐT và vẫn đang chờ chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Hiệu trưởng một trường THPT quận 9 cho biết: “Trường và học sinh hiện nay khá lo lắng vì kỳ thi đang cận kề nhưng chúng tôi phải chờ ý kiến chỉ đạo của Sở mới tính tới làm gì được”.
Tại Hà Nội, hiệu trưởng một trường THPT cho biết, dù kỳ thi đã cận kề, học sinh không còn nhiều thời gian nhưng theo kế hoạch vẫn phải đảm bảo chương trình khung. Do đó, hiện nay trường mới chỉ tăng tiết học để thầy trò vừa học kiến thức mới vừa củng cố lại kiến thức. “Phải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 trường mới dốc hết sức lực cho học sinh ôn luyện cũng như thi thử. Mà cũng chỉ đến khi học xong chương trình, học sinh mới có thể giải được đề có kiến thức bao quát chương trình nên dù sốt ruột thầy cô cũng không nóng vội được”, hiệu trưởng này nói.
Đối mặt nhiều nỗi lo
Thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên Toán Trung tâm giáo dục Thường xuyên quận Gò Vấp cho biết, hiện cả thầy và trò đang tăng tốc cả trong dạy và học. “Với bộ môn Toán, do lần đầu thi trắc nghiệm nên cách dạy và cách học cũng có nhiều thay đổi, như lồng ghép các môn trắc nghiệm vào bài giảng tự luận, các bài kiểm tra đều thực hiện bằng phương thức trắc nghiệm. Bên cạnh đó, đề thi trắc nghiệm Toán trên thị trường, mạng xã hội hiện nay rất nhiều nhưng hầu hết không được kiểm định nên học sinh cần cẩn trọng trong ôn tập”, thầy Tuấn Anh nói.
Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, Tổ trưởng Bộ môn Toán, Trường THPT Đông Anh, Hà Nội cho biết, sau kỳ nghỉ tết, trường đã lên kế hoạch cho học sinh thi, kiểm tra đánh giá mỗi tháng 1 lần để củng cố kiến thức và tập dượt cho kỳ thi. Các giáo viên lớp 12 có môn thi năm nay cũng được yêu cầu ngồi lại với nhau để ra các bộ đề cho học sinh ôn luyện. Cô Huệ cho biết, đặc thù trường không đủ cơ sở vật chất cho học sinh học ôn buổi chiều nên hiện mới chỉ tăng từ 4 tiết Toán/ tuần lên 6 tiết. Ngoài ra, học sinh phải tự tìm kiếm tài liệu ôn tập hoặc đi học ôn ở ngoài.
Cô Huệ cũng bày tỏ sự lo lắng: “Tỉ lệ học sinh dưới 5 điểm sẽ nhiều hơn năm trước bởi phòng có 24 mã đề khác nhau, kiến thức rộng nên dù học sinh yếu kém đang được thầy cô nỗ lực dạy, học nhưng kết quả có thể không bằng năm trước”.
Cô Vũ Thị Đức An, giáo viên dạy Giáo dục công dân tại một trường THPT ở Hà Nội cho biết, sau Tết, giáo viên được trường giao tăng tiết, xếp một buổi ôn tập về bộ môn. Căn cứ vào đề minh họa mới đây, cô cho học sinh ôn luyện theo phương thức cuốn chiếu, học theo chủ đề sau đó ra các dạng câu hỏi trắc nghiệm ở từng bài để học sinh luyện cho nhuần nhuyễn. Ngoài ra, cô còn cập nhật kiến thức về an toàn giao thông, vấn đề thời sự hàng ngày xử lý thành các tình huống để học sinh lựa chọn đáp án đúng. Theo cô An, vì năm đầu tiên có môn thi đưa vào kỳ thi THPT quốc gia nên cô trò khá lo lắng.
Thầy Nguyễn Vũ, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Quốc học Huế cho rằng, những năm trước học sinh khá lo lắng về môn Lịch Sử. Năm nay, đọc đề minh họa, thầy trò có thể yên tâm hơn bởi thi theo phương pháp trắc nghiệm học sinh không cần học thuộc bài mà chỉ cần học hiểu bài là làm được. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này thầy trò các trường phải tăng tốc ôn luyện thật kỹ kiến thức trong sách giáo khoa. Trong đó, thầy giảng bài cũng không được qua loa, đại khái mà phải giảng sâu, giúp học sinh hiểu được bài, nắm được cốt lõi vấn đề sau mỗi bài học để khi gặp các câu hỏi đánh đố các em không bị nhầm lẫn.
Nguồn Báo Tiền Phong.
Biên tập bởi: Phòng truyền thông – Trường THPT Nhân Việt