Báo Người Lao Động đưa tin về lễ tri ân cha mẹ, thầy cô của học sinh khối 12 trường THPT Nhân Việt, buổi lễ xúc động với những tình cảm được thể hiện dành cho cha mẹ, thầy cô của những học sinh trong những ngày sắp xa mái trường Thpt Nhân Việt.
Lễ tri ân là dịp để học sinh nhìn lại mình, biết ơn gia đình, thầy cô đã dìu dắt suốt những năm tháng học trò.
Ở một góc khuất, người mẹ với gương mặt khắc khổ, đen sạm vì nắng gió vừa đáp chuyến xe cuối cùng từ Đắk Lắk đến TP HCM dự lễ tri ân của học sinh Trường THPT Nhân Việt tối 17-5, đưa tay chấm nước mắt. Con trai của bà, học sinh Phạm Sông Trường, lớp 12A2, đang xúc động nói lời tri ân với mẹ cha, với thầy cô khiến nhiều người lặng đi vì xúc động.
Trưởng thành từ sự sẻ chia
“Mười tám năm, con mới nhận ra sự cực nhọc, vất vả của ba mẹ. Có phải là muộn lắm không?” – Trường nghẹn ngào.
Em Phạm Sông Trường (bìa trái) và em Nguyễn Văn Hùng xúc động cùng mẹ trong lễ tri ânTrường kể lúc còn nhỏ, vì nhà nghèo nên ba mẹ phải lặn lội từ Quảng Bình vào Đắk Lắk, ai thuê gì làm nấy rồi vay mượn tiền mới mua được 50 gốc cà phê nhưng vất vả, cực nhọc khiến mẹ bị bệnh nặng, anh chị phải bỏ học để nhường cho Trường đến trường.
Thế nhưng, do Trường nghiện game nên theo bạn bè la cà quán net và gây gổ đánh nhau. Hết lớp 9, Trường không đậu vào trường công của huyện nhưng gia đình quyết tâm đưa em vào TP HCM để em được học hành tử tế, sau này không phải vất vả như ba mẹ. Nhưng Trường có ngờ đâu, để em có thể yên tâm học, mẹ phải làm việc cực hơn đến nỗi bị gai cột sống; anh trai đi làm thuê bị tai nạn gãy cột sống lưng, mọi vất vả dồn hết lên đôi vai của ba… Khó khăn chồng chất cho đến đầu năm lớp 12 thì gia đình đã không thể cho Trường học tiếp được nữa.
“Cuối cùng thì chính nhà trường đã cứu em. Thầy cô giảm học phí, tiền ăn, động viên em cố gắng” – ánh mắt đầy biết ơn của Trường hướng đến các thầy cô, những người đã giúp đỡ em trong hoàn cảnh khó khăn. Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết: “Học sinh của trường đa số thường trú tại tỉnh, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Chứng kiến các em tự động viên, giúp đỡ nhau khiến chúng tôi rất xúc động!”.
Thầy Hiếu nhớ lại trường hợp của em Trần Văn Hùng, lớp 12A3, khi nhà em gọi lên thông báo ba em mất đột ngột, cả trường cùng chia sẻ và đón xe đò đưa em về nhà. “Nhìn cách các em lo lắng cho bạn, đau với nỗi đau của bạn, lớn khôn hơn từ những khó khăn, mất mát khiến chúng tôi vững tin hơn khi mai này tiễn các em bước vào những chân trời học tập mới” – thầy Hiếu tin tưởng.
Biết ơn vì cô nghiêm khắc
Từ không có cảm tình, bày trò quậy phá đến khâm phục và lưu luyến thầy cô là những cảm xúc không thể nào quên của những học trò trót từng là học sinh cá biệt. Một nam học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa trong buổi lễ tri ân sáng 18-5 xúc động kể lại: “Tính em rất nhút nhát, ngại đám đông thế mà ngày mới vào lớp 10, cô giáo dạy văn ghi tên em vào đội văn nghệ của trường. Em không chịu và gặp riêng cô để năn nỉ mà cô không đồng ý. Lúc đó, em thấy sao mà cô khó ưa đến vậy. Nhưng rồi khi tham gia, em mới phát hiện mình có năng khiếu ca hát, em tham gia nhiều hoạt động tập thể hơn, mạnh dạn hơn, không nhút nhát như trước nữa. Giờ em đã nhận ra tình cảm của cô, em thấy thương cô quá”.
Lời tâm sự của Lộc Kim Yến – lớp 12A2 Trường THPT Nhân Việt – khiến nhiều người xúc động trước tình cảm của một học sinh từng là cá biệt với cô giáo nghiêm khắc, khó tính. “Tuy không nhiều lời nhưng cô khiến em luôn ám ảnh, sợ hãi. Học kém nên em càng sợ cô, sợ nhất là những lần cô dò bài là em quên sạch. Cho đến một lần, cô nhìn thẳng vào mắt em rồi nói: “Yến ơi là Yến, em học thế này rồi sẽ ra sao? Không nghĩ đến cô thì em cũng phải nghĩ đến gia đình một chút chứ”. Cô nói mà mắt đỏ hoe. Nhìn cô khóc, em trào lên một cảm xúc khó tả, em không nghĩ cô nghiêm khắc thế mà cũng “mít ướt” vì đứa học trò nghịch ngợm. Nhờ cô mà em đã thay đổi, chăm chỉ học hành, em sẽ nhớ mãi về cô”.
Nguồn: Báo NLD
Biên tập bởi : Phòng truyền thông – THPT Nhân Việt