Chỉ có rất ít học sinh thích làm bài tập về nhà, trong khi hầu hết đều chần chừ không muốn học. Vì sao bạn phải bắt đầu học ngay bây giờ trong khi có thể xem thêm một chương trình tivi yêu thích? Thường thì vấn đề không phải do bạn không sẵn lòng làm bài tập, mà thực chất bạn không tìm thấy động lực để bắt đầu công việc.

CÁC BƯỚC ĐỂ LÀM BÀI TẬP VỀ NHÀ HIỆU QUẢ

1. Lên kế hoạch trước để có thời gian rảnh sau khi đi học về.

Nếu bạn không có tiết học thì nên làm bài tập, vì càng giải quyết được nhiều bài tập ở trường thì bạn càng có ít bài tập khi về nhà. Đừng cố gắng làm mọi thứ vào phút cuối cùng. Có thể làm bài trên lớp (nếu có thời gian), hoặc bất kì lúc nào bạn có thời gian rảnh. Như vậy nếu bạn không hiểu bài nào thì còn có thể nhờ bạn bè giúp đỡ. Hỏi giáo viên nếu họ có mặt ở đó: nhiệm vụ của họ là hỗ trợ bạn. Hãy để họ giúp bạn.

 2. Chia nhỏ.

Phân chia công việc; đọc lướt qua chủ đề và ghi nhớ!

– Đọc các đề mục, phần giới thiệu, bản đồ, biểu đồ, hình vẽ, chú thích, chữ in đậm và in nghiêng, ghi chú chân trang, và phần tóm tắt của chương để lấy ý tưởng và góc nhìn/quan điểm để khởi phát khả năng tư duy.

– Bắt đầu trả lời từng vấn đề và câu hỏi bài luận bằng cách làm từng phần! Bằng cách nào? Viết ra câu hay bước đầu tiên, làm bất kì phần nào hợp lý (đi từng bước).

– Bổ sung suy nghĩ/bước thứ hai và thứ ba – mỗi suy nghĩ sẽ tiếp nối từ suy nghĩ trước đó.
Mỗi lần viết từng cụm từ hay câu sẽ giúp bạn hoàn thành cả bài.

– Bỏ một số dòng, chừa khoảng trống để điền vào sau nếu bạn cần di chuyển đến phần khác.

Để tiếp tục trả lời một câu hỏi: Đọc những gì bạn đã viết hay đã làm để kiểm tra, và xem có thể suy ra gì từ đó, để dẫn dắt suy nghĩ của bạn đến ý tưởng/bước tiếp theo.

3. Đặt ra mục tiêu và phần thưởng.

Một khi bạn đã đạt được mục tiêu và hoàn thành bài tập về nhà, hãy thưởng cho mình thứ gì đó hấp dẫn dù là không lớn. Để dành một quyển sách hay để đọc sau khi làm xong bài tập về nhà, hoặc lên kế hoạch tán gẫu với bạn bè sau khi hai bạn làm xong bài tập. Lướt những trang web yêu thích, hoặc thậm chí là toàn tâm theo đuổi một dự án nào đó mà bạn vẫn luôn muốn thực hiện.

Lợi dụng những kỳ nghỉ hay ngày nghỉ sắp đến để làm động lực học tập. Nếu hôm nay là thứ năm thì bạn tự nhủ rằng đã gần đến cuối tuần, và thời điểm mà bạn làm xong bài tập về nhà thì đã gần tới ngày nghỉ. Nhớ rằng kỳ nghỉ đang đến gần và bạn có thể tận hưởng kỳ nghỉ đó toàn vẹn nhất sau khi hoàn thành bài tập về nhà.

4. Tránh chần chừ

Cách dễ nhất để vượt qua sự chần chừ là thực hiện ngay nhiệm vụ đó khi bạn nghĩ đến nó – không trì hoãn bằng cách tự nhủ sẽ làm sau.

Bạn hãy nghĩ thế này: nếu bạn lưỡng lự, bạn sẽ tốn thêm thời gian lo lắng về việc đó bên cạnh thời gian thật sự phải làm. Hãy hành động và hoàn thành bài tập ngay khi nghĩ đến nó, sau đó bạn có nhiều thời gian hơn để giải trí.

5. Làm việc thông minh hơn, không phải siêng hơn.

Bộ não mệt mỏi không thể hấp thu nhiều thông tin, vì vậy bạn phải chia nhỏ thời gian làm bài tập về nhà. Nghỉ giải lao theo định kỳ. Đặt đồng hồ hẹn giờ và nghỉ khoảng 5-10 phút sau mỗi giờ học. Đứng dậy và kéo giãn cơ bắp, đi lại quanh phòng. Uống nước và ăn ít hoa quả: nước sẽ thanh lọc cơ thể, và nửa quả táo mang lại hiệu quả nhiều hơn là lon nước tăng lực.

6. Nghĩ về hậu quả.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không làm bài tập về nhà? Bạn sẽ nhận điểm kém phải không? Giáo viên có nổi giận với bạn không? Nếu những điều này không thể làm bạn sợ thì nhớ rằng bài tập về nhà giúp bạn nhớ bài, điều mà mọi người đều muốn. Trong thế giới thực tế, kiến thức giúp người ta làm chủ cuộc chơi.

7. Nghĩ về lợi ích.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn làm bài tập về nhà? Bạn sẽ nhận được điểm cao. Giáo viên sẽ đánh giá cao công sức của bạn. Bạn đã học được rất nhiều, và nó mở đường cho bạn có một cuộc sống tốt hơn, với công việc bàn giấy nhẹ nhàng. Đặt bản thân vào trạng thái lạc quan sẽ mang lại lợi ích và cuối cùng tạo ra năng lượng, cũng như hy vọng để bạn tập trung vào công việc, hoặc thậm chí thích thú với việc làm bài tập!

8. Tìm nơi học bài yên tĩnh.

Bố trí một nơi học bài đặc biệt, không có bạn bè, tivi hay bất kì yêu tố gây phân tâm tiềm ẩn nào. Nơi làm bài tập phải có một bề mặt cứng như mặt bàn để viết trên đó. Nếu bạn cần phải làm một số bài tập trên máy vi tính như nhiều học sinh phổ thông hiện nay, đảm bảo không sử dụng các chương trình trò chuyện, trang web không liên quan v.v… Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc dễ ngủ gật thì nên làm bài tập trong thư viện, ngồi vào bàn thỉnh thoảng có người qua lại. Không gian yên tĩnh sẽ giúp bạn tập trung, hoạt động nhẹ của những người xung quanh giữ cho bạn tỉnh táo, và nếu bạn gặp khó khăn thì người quản thư viện và sách tham khảo sẽ là nguồn lực hỗ trợ.

 9. Dọn bàn học/phòng học.

Khả năng tập trung sẽ tốt hơn khi nơi học tập không có nhiều thứ bày bừa bộn. Dành năm phút dọn dẹp khu vực làm bài trước khi bắt đầu.

Đừng dựa vào việc thu dọn để kéo dài thời gian chần chừ. Chỉ tập trung vào nơi bạn sẽ làm việc, và tránh lãng phí thời gian dọn những chỗ khác.

10. Tìm một người học chung.

Nhớ chọn một người không nằm trong nhóm bạn chơi bời để tránh phân tâm. Tìm ai đó có thể giúp bạn giữ tập trung và im lặng. Đây là cách để bạn cảm thấy việc học thoải mái hơn, vì bên cạnh bạn cũng có người đang làm việc. Nhưng nhớ không nói chuyện nhiều hơn học.

11. Xây dựng phương pháp học riêng.

Mỗi người học ở tốc độ khác nhau, và có phương pháp riêng để ghi nhớ bài học. Một số người cảm thấy bước đi qua lại dễ thuộc bài hơn, trong khi số khác thích nghe nhạc khi học. Bạn cần thí nghiệm để biết cách nào tốt nhất cho mình.

12. Nghe một số bản nhạc êm dịu (tùy chọn).

Vừa nghe nhạc vừa học bài không phải là phương pháp phù hợp với tất cả mọi người. Nếu bạn định nghe nhạc thì nên chọn nhạc cổ điển hay nhạc không lời. Nếu không thích nhạc cổ điển thì bạn chọn các bài hát nhẹ mà bạn không hiểu lời, để bạn không bị phân tâm bởi lời bài hát.

13. Tập thể dục nhẹ trong giờ nghỉ giải lao.

Nó giúp bạn xả bớt căng thẳng, làm minh mẫn đầu óc, tăng khả năng tập trung và tỉnh táo hơn. Ví dụ, bước đi qua lại, giãn cơ, nhảy dang tay chân và chạy bộ tại chỗ.

14. Tạo thói quen.

Thói quen sẽ giúp bạn làm bài tập mà không chần chừ. Lập thời gian biểu rõ ràng để bạn hoàn toàn biết rõ mình cần phải làm gì tuần này, tuần sau và thậm chí các tuần sau đó. Chắc chắn sẽ có việc đột xuất nhưng tối thiểu bạn biết mình đang làm gì!

15. Đảm bảo sự tập trung.

Tắt máy vi tính, điện thoại v.v… là những thứ có thể gây phân tâm. Đừng dán mắt vào máy vi tính hay điện thoại vào giờ giải lao vì bạn sẽ quên mất mình đang học cái gì và thời gian hoàn thành kéo dài hơn. Tránh xa các thứ đó bằng mọi giá trừ khi bạn phải làm bài tập trên máy vi tính.

Đặt điện thoại, máy vi tính ngoài tầm tay, hoặc bất kì thứ gì có thể gây phân tâm. Sau đó bạn chọn căn phòng yên tĩnh để làm bài, nơi bạn biết sẽ không bị phân tâm. Đặt đồng hồ báo sau mỗi 30-60 phút, để bạn biết mình đã làm việc bao lâu và có thể theo dõi thời gian.

16. Sắp xếp theo độ ưu tiên.

Chia nhỏ bài tập về nhà theo khả năng của bạn đối với môn học đó. Nếu bạn không giỏi thì làm bài tập dễ trước. Nếu đó là một bài dễ thì bạn nghỉ giải lao rồi làm xong trong 15 phút, và rồi tiếp tục làm việc. Nếu là một dự án dài thì bạn để lại làm cuối cùng. Không phải vì nó không quan trọng, nhưng bạn cần tiết kiệm thời gian cho những việc gần đến hạn.

17. Tìm động lực học lúc khởi đầu.

Có thể bạn thích làm một hoặc hai bài dễ vào đầu buổi làm bài tập về nhà, để dành các bài khó cuối cùng. Làm các bài khó ngay lúc đầu có thể làm bạn mất tinh thần, và có nghiên cứu cho thấy nhiều người học tốt khi họ bắt đầu với các bài dễ rồi từ từ làm các bài khó hơn. Chọn vài bài dễ làm xong nhanh chóng sẽ nhắc bạn nhớ cảm giác thỏa mãn mỗi khi hoàn thành một bài. Tuy nhiên, một số người tìm thấy động lực lớn hơn khi làm ngay các bài khó nhất vào đầu buổi học. Sau đó việc giải quyết phần còn lại dễ như trở bàn tay. Thử nghiệm để xem cách nào hiệu quả với bạn.

18. Sử dụng các bài toán đơn giản để tìm lời giải cho bài toán khó hơn.

Đa số các bài toán có thể chia thành các bài toán nhỏ đơn giản hơn. Đó là chìa khóa để áp dụng cho hầu hết các vấn đề về toán học và khoa học, bao gồm các bài kiểm tra.

MỘT SỐ LƯU Ý

Làm bài tập về nhà trên bàn, không bao giờ làm trên đi văng hay trên giường. Bạn sẽ cảm thấy uể oải, mà giường thì mềm mại nên bạn dễ ngủ quên. Cho dù bạn không giống những người khác có thể ngủ quên dễ dàng, cảm giác thoải mái sẽ làm bạn phân tâm.

Nếu bạn có bài tập thật sự khó thì nên làm bài tập dễ trước, để bạn không mắc kẹt và bị sa lầy.

Không nên nổi nóng. Nếu bạn gặp phải một bài tập khó và tốn nhiều thời gian, hãy tạm thời bỏ qua để làm bài khác.

Đừng quá căng thẳng về việc không thể làm bài tập về nhà. Quanh bạn có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ – internet, bố mẹ, bạn bè và v.v… Nếu tất cả đều không thể giúp đỡ thì bạn đến trường sớm để nhờ giáo viên hướng dẫn.

Để vở và các ghi chép trước mặt, không nên chỉ tập trung vào vở bài tập, bạn không thể đoán cách giải mà phải sử dụng các ghi chép trong giờ học.

Tránh chần chừ vì nó có thể ảnh hưởng đến kế hoạch trong ngày của bạn. Giả sử bạn có suy nghĩ thế này “Ô, tối nay mình sẽ làm”, rồi nhìn vào kế hoạch làm việc, bạn sẽ phải làm một việc khác vào thời điểm đó, “Không, lúc đó có chương trình tivi yêu thích của mình”.

Hãy tự tin! Đừng quá lo lắng về một việc nhỏ mà làm mất vui!

Bạn tự nhủ rằng “Mình sẽ chỉ làm thêm 5 bài hoặc học thêm 20 phút”. Nếu bạn muốn ngừng học sau 20 phút nhưng cần phải tốn nhiều thời gian hơn — nghỉ giải lao vài phút rồi quay trở lại làm việc. Hãy tự nhủ “Chỉ 5 bài nữa …” và bắt đầu học. Có thể bạn sẽ học nhiều hơn thế mà không nhận ra.

Tìm cảm hứng làm bài tập! Vẽ các biểu đồ và sơ đồ nhiều màu sắc để tăng tốc độ làm việc.

Nhớ ngủ đủ giấc vào đêm trước đó. Cơ thể không mệt mỏi giúp bạn học bài hiệu quả hơn.

Nếu có chỗ nào bạn không hiểu, viết ra câu hỏi cụ thể hoặc đánh dấu trang đó trong sách. Sau đó bạn có thể nhờ giáo viên giúp đỡ. Nếu bạn cứ đến gặp giáo viên và nói rằng “Em không hiểu bài tập về nhà nên không thể hoàn thành”, họ sẽ không thể giúp đỡ khi bạn không nói cụ thể điều gì đang làm bạn khó hiểu. Giáo viên sẽ bắt đầu giải thích từ cơ bản hoặc quá nâng cao, và bạn vẫn không hiểu (điều này chỉ làm cả bạn và giáo viên thêm bực mình). Do đó bạn nên nói chính xác điều gì làm mình không hiểu.

 

 

Facebook Comments