Nhiều teen cho rằng việc nhà trường lắp camera trong trường học là muốn tốt cho học sinh nhưng nó sẽ gây cảm giác ức chế, mất tự tin khi vui chơi.

Với việc xuất hiện ngày càng nhiều vụ bạo lực diễn ra tại trường học thời gian qua, một số trường học ở TP HCM đã tăng cường lắp camera để giám sát học sinh. Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), THCS Lý Phong (quận 5), Trường THPT Marie Curie (quận 3)… đã lắp đặt camera quan sát nhiều năm qua.

Anh-1-Theo-doi-hoat-dong-cua-h-6556-4949

Hiệu trưởng, bảo vệ trường THCS Lý Phong quan sát học sinh qua màn hình camera. Ảnh: VnExpress.

Tuy nhiên, việc lắp camera giám sát học sinh gây nên những ý kiến trái chiều từ chính những người làm giáo dục và phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng việc này là phản khoa học và không phải là biện pháp hữu hiệu để hạn chế bạo lực học đường.

Cùng nghe teen nói gì về việc bị giám sát bằng camera trong trường học:

Lắp camera để tốt cho học sinh

Ngô Quang Đĩnh (THCS – THPT Đinh Thiện Lý TP HCM) chia sẻ: “Việc nhà trường lắp camera để theo dõi học sinh theo mình cũng là điều dễ hiểu. Sau nhiều vụ bắt nạt, học sinh đánh nhau gây xôn xao dư luận thời gian qua, nhà trường muốn bảo vệ, theo dõi học sinh nên mới làm như vậy thôi. Tuy trường mình chưa triển khai việc này nhưng nếu có mình cũng sẽ ủng hộ thôi”.

10390128-630767983724467-730964206803764

Ngô Quang Đĩnh ủng hộ việc lắp camera trong trường nhưng cũng khá băn khoăn vì sự thiếu thoải mái khi vui chơi.

Nói về mặt tích cực và hạn chế của việc lắp đặt camera theo dõi học sinh, Đĩnh cho rằng mỗi một việc đều có hai mặt tích cực và hạn chế. Việc lắp camera theo dõi học sinh cũng không phải là điều ngoại lệ. “Theo mình, mặt tốt của nó là sẽ giúp nhà trường trong việc quản lý học sinh tốt hơn, chặt chẽ hơn. Nhưng có lẽ nhiều bạn sẽ cảm thấy khó chịu với sự quản lí gắt gao như vậy, lúc nào cũng bị theo dõi quan sát. Chẳng teen nào muốn điều đó đâu”, cậu bạn nói.

P. Hoa (THPT Lê Quý Đôn) cùng quan điểm: “Mình nghĩ việc nhà trường lắp camera quan sát cũng là điều tốt. Hơn nữa trường học sẽ văn minh, hiện đại hơn. Bố mẹ mình cũng ủng hộ việc đó vì cho rằng họ sẽ yên tâm hơn khi con đến trường. Nếu có chuyện gì xảy ra thì nhà trường sẽ nhanh chóng phát hiện và xử lý, tránh như một số trường hợp học trò bị bạn đánh hội đồng nhưng phải mất cả tuần sau nhà trường mới hay biết gây xôn xao thời gian qua”.

Học sinh mất tự tin, bị gò bó

Thanh Giáp (THPT Nguyễn Thị Minh Khai) chia sẻ: “Trường mình cũng đã lắp camera quan sát này nhưng xem ra các bạn đều cảm thấy bị gò bó và mất tự tin. Tụi mình cứ có cảm giác bị theo dõi như “phạm nhân”. Ngày trước khi chưa có camera thì tụi mình vui chơi bình thường nhưng từ ngày có camera luôn phải dè chừng, xem nó có quay hành động của mình hay không”.

998789-469872566460800-403474539-n.jpg

Phan Thanh Giáp (ở giữa hàng trên cùng) cảm thấy thiếu tự tin và mất tự nhiên nếu nhà trường lắp quá nhiều camera trong trường.

Giáp không phủ nhận những mặt tích cực từ việc lắp camera mang lại như quan sát được học sinh nào trốn học, phát hiện và xử lý nhanh các sự việc liên quan đến bạo lực học đường hay hạn chế việc học trò yêu đương trong trường… Tuy nhiên, những bất cập từ việc này khiến Giáp và bạn bè cảm thấy mất tự nhiên khi đi học.

“Học sinh đông nên khó kiểm soát, đội ngũ giám thị không đủ quản lí nên lắp camera cũng là việc tốt. Tụi bạn mình có góp ý rằng đừng lắp quá nhiều, chỉ cần lắp những nơi cần thiết, không nên lắp ở những khu vực ăn uống, phòng ngủ… để học trò được thoải mái khi đến trường”, Giáp nói.

Lắp camera không phải là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn bạo lực học đường

Anh-2-Ky-thuat-vien-lau-chui-c-9960-6473

Kỹ thuật viên bảo dưỡng camnera tại trường THCS Lý Phong. Ảnh: VnExpress.

Chia sẻ với VnExpress, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khẳng định Sở không chủ trương và không khuyến khích các trường lắp camera bởi đó là phương pháp phản khoa học. Nó sẽ gây ức chế cho giáo viên, tạo tâm lý không tốt cho học sinh. Đó cũng không phải là biện pháp hữu hiệu để hạn chế bạo lực học đường. Muốn hạn chế bạo lực học đường phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đồng thời phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để uốn nắn.

Thầy Bùi Gia Hiếu cũng nhìn nhận, camera dễ gây ức chế cho thầy cô khi giảng bài. Muốn ngăn chặn bạo lực học đường, phải giải quyết gốc rễ của vấn đề là giáo dục cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh chứ không phải đợi camera ghi nhận rồi xử lý hậu quả.

Nguồn : VNExpress

Biên tập bởi : Phòng truyền thông – Trường THPT Nhân Việt

Facebook Comments