Báo Dân Trí PV thầy Đào Kim Nguyễn Thuỵ Nam, tổ trưởng bộ môn Lý trường THPT Nhân Việt (TPHCM) cũng đánh giá đề minh họa có độ phân hoá rõ rệt,…
Ở một số môn, nhiều giáo viên nhận định đề tham khảo đợt này có phần “dễ thở” hơn trước đó. Đa phần, các đề thi mẫu nhấn mạnh hơn yêu cầu vận dụng tư duy chứ không đơn thuần học thuộc lòng. Đồng thời, độ phân hóa của đề giữa học sinh trung bình, khá và giỏi cũng thể hiện rõ.
Đối với môn Toán, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Toán Trung tâm GDTX quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết trước đó những thông tin về đề trên mạng khiến các giáo viên lo lắng tuy nhiên theo đề tham khảo công bố chiều nay thì ông cảm thấy “nhẹ người”.
Đề thi toán minh họa lần 3 này có phần nhẹ nhàng hơn 2 đề trước đây, nội dung đề phù hợp với nội dung bao phủ hoàn toàn của kiến thức lớp 12. Cách sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó nhất là nhiều câu đầu rất cơ bản, học sinh chỉ cần nhìn là tìm ra được đáp án hoặc bấm máy tính là ra kết quả. Với cách sắp xếp hợp lý này thì các câu khó, nâng cao nằm ở phần cuối.
Học sinh THPT tại TPHCM chạy nước rút ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã cận kềBên cạnh đó, thầy Tuấn Anh nhấn mạnh đề thi này đòi hỏi học sinh phải tư duy suy luận nhiều hơn 2 đề mẫu trước do đó việc đánh giá kiến thức học sinh sẽ sát hơn.
Tính phân hoá để đáp ứng hai mục tiêu vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa để xét tuyển ĐH của đề thể hiện rõ. Từ câu 1-40 phù hợp với học sinh trung bình – khá, phần phân hoá từ những câu còn lại phía sau trong đó khó nhất là các từ câu 44 đến 50 là phân loại cho học sinh giỏi, xuất sắc. Từ dạng đề này phân hoá học sinh theo mức độ sau: phân hoá học sinh giỏi bằng những câu khó, bằng thời gian xử lý bài toán.
Tuy nhiên, điều thầy Tuấn Anh băn khoăn việc chia điểm chỉ là 0,2 điểm/câu, nên độ chênh lệch giữa những học sinh cùng mức độ, đặc biệt là học sinh giỏi không nhiều cao. Do đó, thầy Tuấn Anh nhận định trường ĐH thuộc tốp cao sẽ rất khó chọn thí sinh khi xét tuyển, bởi số thí sinh có điểm sắp sỉ nhau sẽ nhiều.
Đối với đề môn Hoá, thầy Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân (TPHCM) kiêm giáo viên môn Hóa nhận định đề tham khảo lần thứ 3 khá phù hợp cũng như tương tự với hai đề công bố trước đó với nội dung phần lớn gói gọn ở kiến thức lớp 12, cũng có một chút liên đới đến kiến thức lớp 11.
Đề có 24 câu về cơ bản, trong đó có 7 bài tính toán. Phần câu còn lại nâng cao cũng có 7 bài tập tính toán, trong đó, học sinh khá có thể giải quyết thêm 6 câu ở phần này và khả năng lấy được điểm 7,5. Còn lại, các học sinh giỏi làm bài tốt có thể đạt 9 điểm. Độ phân hoá đề rõ rệt, nếu học sinh trung bình muốn đạt 6 điểm trọn vẹn thì phải nắm vững kiến thức một chút.
Ngoài ra, thầy Độ cũng đánh giá cao đề mẫu này vì đưa ra những câu hỏi suy luận, phải tư duy, đòi hỏi học sinh phải biết kiến thức trong phòng thí nghiệm, chẳng hạn như câu thu khí. Những câu hỏi dạng này không phải để phân loại khá giỏi mà chủ yếu kiến thức không nằm trong sách vở hay học thuộc lòng mà yêu cầu tính tư duy phải cao.
Thầy Độ chia sẻ, đối với môn này, đề đã phù hợp với những gì trước giờ giáo viên đã định hướng ôn tập cho học sinh trong thời gian qua.
Đối với đề môn Vật Lý, thầy Đào Kim Nguyễn Thuỵ Nam, tổ trưởng bộ môn Lý trường THPT Nhân Việt (TPHCM) cũng đánh giá đề minh họa có độ phân hoá rõ rệt theo 3 mức độ. Học sinh trung bình khá nếu bám sách giáo khoa có thể dễ dàng đạt mức 6,5 điểm; từ câu 25-35 dành cho học sinh khá giỏi cũng thể đạt 7-8 điểm.
Phần kiến thức còn lại cực khó và chỉ những học sinh học chuyên môn này mới có thể giải được để đạt 9-10 điểm. Theo thầy Nam, phần khó nhất là những câu phần sóng, đồ thị về điện xoay chiều buộc phải tính toán.
Cô Hoàng Thị Hồng Liên, giáo viên môn tiếng Anh trường THPT Thành Nhân cho rằng đề minh họa môn tiếng Anh có phần nhẹ nhàng đối với học sinh và phân hoá học sinh. Tổng quan đánh giá học sinh trung bình hoàn toàn có thể đạt điểm 5 do đề ra khá bám sát chương trình học.
Tuy nhiên phần từ vựng yêu cầu tìm từ trái nghĩa, đồng nghĩa sẽ gây khó đối với học sinh trung bình bởi nhiều từ ở lớp 12 chưa học. Nếu muốn làm tốt thì học sinh phải suy đoán nghĩa của từ trong câu và dựa vào ngữ cảnh để lựa chọn câu trả lời.
Cô Liên cũng cho rằng phần ngữ âm, nhấn âm cũng tương đối nhẹ nhàng. Tương tự, ở phần đọc đoạn văn đầu, kiến thức gần gũi với học sinh, trong 7 câu hỏi nếu học sinh trung bình chịu khó đọc thì có thể làm được 4-5 câu, học sinh khá có khả năng lấy được trọn điểm ở đoạn văn này.
Còn ở đoạn văn 2 thì lại có nhiều vốn từ lạ, chỉ những thí sinh học chuyên khối A1, D1 mới có khả năng giải. Bài điền từ, trong 5 câu thì học sinh trung bình có thể làm được 2 câu bởi phần đông học sinh nói chung vốn từ khá hạn chế.
Cấu trúc đề này khoảng 30% nội dung vượt quá sách giáo khoa và dành cho những thí sinh chuyên về tiếng Anh. Cũng theo cô Liên, không như các môn khác cách sắp xếp các câu dễ, khó sẽ tăng dần thì môn này phần khoá nhất là đoạn văn với 8 câu nâng cao rõ. Ngoài ra, trong 12 câu phần ngữ pháp thì hết 4-5 câu học sinh phải suy luận mới làm được.
Dù nhận định đề thi khá nhẹ và phù hợp với những kiến thức ôn tập cho học sinh thời gian nhưng cô Liên cũng lo ngại học sinh sẽ chủ quan.
Trong khi đó ở môn Ngữ văn, cô Ngô Ngọc Mai, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Thành Nhân thì tỏ ra lo lắng nếu đề chính thức giống như đề tham khảo lần 3 này thì học sinh không làm kịp thời gian bởi kết cấu đề khá dài.
Đánh giá chung, cô Mai cho rằng phần đọc hiểu của đề vừa sức cũng như dễ hiểu hơn đề mẫu công bố trước đó. Phần này nằm trong kiến thức cơ bản đã học
Tuy viên phần làm văn (7 điểm) lại khiến cô Mai lo ngại thí sinh sẽ không đủ thời lượng làm bài hoàn chỉnh. Cụ thể, ở phần yêu cầu viết đoạn văn không quá 200 từ nhưng nếu như đáp án của đề mẫu chỉ với phần dàn bài thì có đến hơn 300 từ. Bên cạnh đó phần viết bài nghị luận văn học thì khá dài trong khi năm nay thời gian làm bài rút ngắn xuống chỉ còn 120 phút thì e rằng học sinh không viết kịp.
Lê Phương (ghi)
Nguồn : Dân Trí
Biên tập bởi : Phòng truyền thông – Thpt Nhân Việt