Bài viết của anh Nguyễn Hoàng Sơn
Hôm nay,Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam phối hợp với trường Nhân Việt tổ chức chương trình Học làm người có ích khóa 1.
Đây cũng là ngôi trường đã đồng hành với các học viên trong chuỗi huấn luyện HLNCI những khóa cuối của trung tâm thanh thiếu niên Miền Nam.
Khi nhận được nhiệm vụ của Ban Giám Đốc sẽ hỗ trợ cho trường Nhân Việt để thực hiện tốt chương trình này, tôi cùng tất cả điều phối viên cũng hơi băn khoăn, bởi các em học viên của mình đã quen với các huấn luyện của trung tâm, đã hiểu hơn về dân vũ quốc tế và cách tiếp thu cũng rất chủ động. Bây giờ khi chuyển giao cho các học sinh, đặc biệt là học sinh cấp 3 (lớp 10, 11, 12); không biết các em đó chịu tiếp nhận những bài giảng hoàn toàn mới và những xu hướng của giới trẻ quốc tế hay không. Chúng tôi đã sắp xếp và gặp thầy Hiếu – Chủ tịch HĐQT trường Nhân Việt, càng trò chuyện, càng bàn những nội dung tôi thấy đôi mắt sáng rực và niềm kỳ vọng của người thầy rất tâm huyết với ngôi trường này, đó cũng chính là động lực để chúng tôi nỗ lực với mục tiêu – giảng dạy thật tốt chương trình HLNCI, tại một ngôi trường cấp 3 với các em chưa bao giờ tiếp xúc với các hoạt động ngoại khóa như vậy.
Sáng nay,chương trình chính thức bắt đầu, tuy nói là 7h00 tập trung, nhưng vì tính cẩn thận nên toàn thể ban tổ chức và các điều phối viên đã có mặt tại trường lúc 6h15, cơn mưa to ngày hôm trước đã làm cho sân trường hơi ẩm ướt và các thầy cô đã sắp xếp lại cơ sở vật chất để chuẩn bị bắt đầu.7h00, chúng tôi bắt đầu tập trung học sinh của trường lại, đúng như lo ngại ban đầu, các em chưa quen với các hoạt động nên đã mất gần hơn 30 phút mới có thể giúp các em lắng nghe chú ý. Sau khi nhận thấy ở các em còn một sức ì khá lớn, BTC đã quyết định thay đổi kịch bản huấn luyện, đẩy hoạt động Teambuilding lên,điều này đã giúp các em phá vỡ sự cân bằng tĩnh ban đầu, và giúp các em có thể kết nối được với nhau tốt hơn. Và điều bất ngờ đã xảy ra, khả năng tư duy và giải quyết vấn đề của các em quá tốt, trong thử thách “Vòng dây trách nhiệm” đây là lớp thứ 2, sau chương trình ở Đồng Nai, có thể tháo vòng dây tách rời ra và rớt xuống đất, và không chỉ một tiểu đội làm được mà đến 5 tiểu đội làm được, sự phấn khích hiện lên trên những khuôn mặt dễ thương ấy. Lửa đã được truyền đi!
Tiếp theo là bài giảng của chị Hạnh, những thói quen có ích và có hại tưởng chừng như rất quen thuộc nhưng những em học viên gần như làm sai rất nhiều, và mỗi lần được chị Hạnh diễn giải là những cái gật gù, và những dòng viết vội để ghi chép lại kiến thức cho mình. Tuy nhiên, có lẽ hôm nay là một ngày không được may mắn, ngay khi chương trình đang cao trào thì cúp điện, tôi được thông báo là sẽ cúp nguyên ngày hôm nay, vậy làm thế nào có thể dạy dân vũ và giảng bài? quyết định đưa ra đầu tiên là dừng chương trình lại và ngày mai làm tiếp tục, nhưng nhìn vào ánh mắt say mê của các em khi tham gia các hoạt động, trường đã quyết định thuê máy phát điện và chương trình vẫn diễn ra bình thường.
Đó chưa phải là kết thúc của sự không may mắn, đến chiều vào bài giảng của mình, tôi rất lo vì nếu chiều mưa to có thể gây sự ngắt quãng bài giảng của mình, thậm chí là hiệu quả sẽ xuống rất thấp. Thế là bài giảng “Cách ứng xử trong gia đình” được giảng sớm hơn dự định, 15h30 – tôi bắt đầu giảng với việc hệ thống lại kiến thức một ngày các em nhận được, một trục trặc kỹ thuật khiến cho âm thanh không phát được,nhưng thời gian không có nhiều lại sợ các em chờ lâu nên tôi quyết định giảng “chay”, may mắn thay khi cả sân trường các em học sinh im lặng để lắng nghe nên giọng nói của tôi phần nào đó bù đắp được tiếng máy nổ rất to đang phát điện. Khi bài giảng bắt đầu đi vào những câu chuyện về gia đình, không gian trở nên lặng im, và …điều tôi lo âu nhất đã xuất hiện.Mưa to!một chiếc dù lớn vẫn không che kín được sân trường, còn lớp học thì không thể nào chứa học sinh của cả trường được. (trường không có hội trường lớn). Không còn giải pháp nào, tôi đã quyết định tuyên bố ngừng bài giảng tại đây để các em có thể tránh mưa.
Nhưng…niềm vui không thể tả, khi các em không chịu đứng dậy và muốn tiếp tục được lắng nghe bài giảng. Cảm giác hạnh phúc trào dâng, cảm ơn các em nhiều lắm!Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định lấy sảnh phòng giám hiệu làm nơi trú mưa cho các em, và lần lượt từng tiểu đội và di chuyển cố gắng ngồi trong sảnh, để bài giảng có thể được tiếp tục. Cơn mưa nặng hạt ấy vô tình trở thành một kỷ niệm, một sự kết nối giữa chúng tôi và các em,lúc này không thể tuyệt vời hơn – không gian của sự ấm áp.
Tôi tiếp tục bài giảng với những câu chuyện về tình cảm của người mẹ và người cha, và những giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt của các em…sự ấm áp ấy giờ đây trở nên vô cùng xúc động bởi tình cảm dành cho bố mẹ của mình. Vì điều kiện không cho phép các em có thể viết cho bố mẹ lá thư bởi không đủ không gian, tuy nhiên chúng tôi vẫn dành cho các em 2 phút để nhắm mắt và gửi ước nguyện, lời chúc sức khỏe cho bố mẹ của mình và đó cũng là lúc các em đã khóc nhiều hơn. Giọt nước mắt của sự hạnh phúc khi nhận ra rằng, mình thật may mắn khi nhận được sự yêu thương của bố mẹ, và “Con yêu bố mẹ nhiều lắm!…
Một ngày với quá nhiều sự việc không may mắn, trở ngại nhưng tất cả chỉ càng làm cho chương trình huấn luyện thêm nhiều kỷ niệm và ấn tượng. Khi chuẩn bị ra về, một cô bé học sinh lớp 10 đã nói với tôi “Anh!em muốn được mặc chiếc áo Học làm người có ích” này, em muốn được tham gia như các anh. Thật vui!đó chính là điều mà chúng tôi mong muốn, sự kế thừa, một thế hệ trẻ đầy năng động, thế hệ trẻ với dòng máu Việt – con người Việt. Đó là tương lai!
Hẹn gặp lại các em ở Học làm người có ích khóa 2!